BỘ TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu vượt dự toán 5%


Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách 6 tháng cuối năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, 6 tháng đầu năm cả nước đã bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó có Bộ Tài chính. Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những kết quả đạt được của Bộ Tài chính và hy vọng Bộ Tài chính tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao.

Đề cập đến những nhiệm vụ tài chính ngân sách của ngành Tài chính trong 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đối với việc thực hiện dự toán thu - chi NSNN: 6 tháng đầu năm có nhiều địa phương thu ngân sách cao vượt dự toán, tuy nhiên vẫn còn có một số địa phương thu ngân sách dưới 50% dự toán được giao. Do đó, 6 tháng cuối năm Bộ Tài chính cần phải đẩy mạnh tăng thu, chống thất thu thuế; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, kết nối online trong thanh toán. Làm mọi cách để thu vượt dự toán 5%.

Đối với chi ngân sách phải chi đúng, giảm chi đối với một số nội dung như khánh tiết, mua sắm ô tô, đi công tác nước ngoài…; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chi ngân sách; cần chủ động hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kịp thời trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đã quan tâm và bám sát dự án sửa đổi luật đầu tư công.

“Trên cơ sở dự toán thu, chi phải đảm bảo bội chi giữ vững như đã đề ra, kiểm soát được nợ công; Rà soát xây dựng dự toán thu năm 2019 sát hơn nữa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tránh tình trạng trung ương hụt thu, địa phương vượt thu. Rà soát mức thu phù hợp, không để tình trạng vượt thu quá mức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên cơ sở biên chế được giao, từ đó mới có tác dụng trong việc kiên quyết giảm biên chế, giảm bộ máy ở các địa phương.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc kiểm soát được bội chi và nợ công, đây là lý do chính để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hệ số xếp hạng của Việt Nam. Từ kết quả tích cực đó, nhiệm vụ của Bộ Tài chính cần phải tiếp tục kiểm soát được nợ công mà vẫn đảm bảo được dư địa để đầu tư phát triển.

Liên quan đến chính sách thu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc vừa qua Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế VAT, từ đó tác động tích cực tới thị trường, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, không làm méo mó các chính sách thuế và đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu.

Với kế hoạch tài chính trung hạn, đầu tư trung hạn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương, các bộ, ngành họp sơ kết, từ đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tham mưu cho Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp.

Về công tác điều hành giá, cơ quan tài chính địa phương cần phải tham mưu cho các địa phương trong việc điều hành giá (y tế, giáo dục…), kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ, tết, đặc biệt là mùa bão lũ. Phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát 3,5%.

Đối với thị trường chứng khoán, thời gian vừa qua có nhiều biến động, cần phải phân tích, đánh giá kỹ về hoạt động thị trường phái sinh và thị trường cơ sở, tiến tới đa dạng hóa thị trường phái sinh. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm những tiêu cực trên thị trường chứng khoán, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Sớm triển khai tái cấu trúc thị trường chứng khoán.

Về kỷ cương, kỷ luật tài chính, cần phải nâng cao tự chủ tài chính, khẩn trương sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, chuẩn bị nguồn cho cải cách tiền lương vào năm 2021.

“Thực hiện nghiêm Nghị quyết 60 của Bộ Chính trị về cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính cần tập trung xử lý 12 dự án thua lỗ, phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường kiểm tra lại quá trình quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thay mặt toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính xin hứa phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, trên tinh thần chủ đề chỉ đạo, điều hành năm 2018 của Chính phủ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, công tác xây dựng thể chế chính sách: Tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, xây dựng dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018); xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi; xây dựng các văn bản pháp luật triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII); sửa đổi nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trong đó quy định việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử) để đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí tuân thủ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2018; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định: Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vào cuộc, chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Toàn cảnh Hội nghị

Quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của nhà nước.

Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2018 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2018. Đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thứ ba, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN: Các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi ngân sách theo dự toán, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2018. Việc xử lý điều chỉnh dự toán đã giao các đơn vị, xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm,... thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Thứ tư, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương: Thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các hiệp định vay mới nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; không sử dụng vốn vay từ các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 3,7%GDP theo dự toán Quốc hội quyết định; đảm bảo dư nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính: Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; phát triển và nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ tài chính; tiếp tục hoàn thiện thị trường kế toán, kiểm toán.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa các DNNN không cần nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII): Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu các DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Thứ bảy, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII): Tập trung xây dựng các nghị định về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực được giao; hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho đơn vị; từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước sang cơ chế đặt hàng.

Một số đầu cầu trực tuyến tại Hội nghị

Thứ tám, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII): Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bám sát mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị TW 6 (khóa XII) và Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị. Cơ quan tài chính sẽ tính toán dự toán NSNN năm 2019 và các năm tiếp theo trên cơ sở yêu cầu thực hiện có kết quả các mục tiêu này.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công khai và giám sát việc sử dụng NSNN; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Thứ chín, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế: Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký. Chủ động đánh giá các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành.

Thứ mười, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2019, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019-2021 sát thực tiễn, khả thi: Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hướng dẫn, chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN ở bộ, ngành, địa phương mình; bám sát mục tiêu, định hướng, yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và của năm 2019 để xây dựng dự toán NSNN năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019-2021, đảm bảo tích cực, đáp ứng tốt các mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN theo đúng định hướng đã đề ra.

*Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính